Ban quản trị chung cư: quy định về quyền hạn và trách nhiệm

Ban quản trị chung cư là một bộ phận vô cùng quan trọng trong việc quản lý và điều hành nhà cư. Ban quản trị chung cư và ban quản lý chung cư là hai bộ phận hoàn toàn khác nhau và rất dễ gây nhầm lẫn. Cùng Taihei.com.vn phân biệt hai bộ phận này cũng như tìm hiểu về quyền hạn và trách nhiệm của ban quản trị chung cư.

Ban quản trị chung cư là gì?

Ban quản trị chung cư là một tổ chức bao gồm các thành viên do cộng đồng cư dân trong toà nhà bầu ra tại hội nghị nhà chung cư. Ban quản trị có hoạt động giống mô hình hội đồng quản trị của ban chủ nhiệm hợp tác xã hay hội đồng quản trị công ty cổ phần. Tổ chức này cũng có đầy đủ tư cách pháp nhân và có con dấu. Ban quản trị chung cư có quyền hạn và trách nhiệm được quy định để đảm bảo sự vận hành toà nhà ổn định.

Ban quản trị chung cư có nhiệm kỳ 3 năm. Mỗi nhiệm kỳ sẽ bầu lại ban quản trị chung cư hoặc bầu tại hội nghị chung cư bất thường trong một số trường hợp cần thiết.

Trong thông tư số 02/2016/TT-BXD về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư đã nêu rõ:

  • Đối với nhà chung cư có một hoặc nhiều chủ sở hữu với dưới 20 căn hộ: ban quản trị có thể được thành lập ban quản trị hoặc không – không bắt buộc. Trường hợp nếu thành lập thì ban quản trị này cũng không có tư cách pháp nhân và không có con dấu.
  • Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu: Phải thành lập ban quản trị chung cư – bắt buộc. Và mô hình hoạt động của tổ chức này giống như hội đồng quản trị, có dấu, có tư cách pháp nhân.

Phân biệt ban quản trị chung cư và ban quản lý

Ban quản trị chung cư và ban quản lý chung cư là hai tổ chức tách bạch, khác nhau nhưng rất nhiều người nhầm lẫn. Cụ thể:

Ban quản trị chung cư là tổ chức đại diện cho cư dân. Tổ chức này cũng có con dấu, có tư cách pháp nhân và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần. Trong khi ban quản lý chung cư chỉ là đơn vị quản lý vận hành toà nhà chung cư – do ban quản trị chung cư thuê và ký hợp đồng rõ ràng.

Ban quản trị chung cư gồm những ai?

Ban quản trị chung cư gồm những ai

Theo khoản 2, điều 20, mục 2, chương III thuộc thông tư 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư có nêu rõ về thành phần trong ban quản trị chung cư.

Về số lượng

Ban quản trị chung cư gồm: 01 trưởng ban, 01 hoặc 02 phó ban và các thành viên khác do hội nghị cụm nhà chung cư quyết định.

Trưởng hợp chủ đầu tư sở hữu diện tích trong cụm nhà chung cư thì có thể được bầu làm trưởng ban quản trị. Trường hợp không được làm trưởng ban, chủ đầu tư có thể cử đại diện của toà nhà mà chủ đầu tư sở hữu diện tích làm phó ban.

Về yêu cầu đối với các thành viên

Khoản 1, 2 điều 19, mục 2, chương III thông tư 02/2016/TT-BXD có nêu rõ về tiêu chuẩn đối với các thành viên ban quản trị chung cư.

  • Đảm bảo sức khoẻ, không có tiền án, tiền sự
  • Ưu tiên người có kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật.
  • Phải tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, sử dụng nhà chung cư, nghiệp vụ quản lý vận hành toà nhà theo đúng quy định của bộ xây dựng.

Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản trị chung cư

Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản trị chung cư

Nhà chung cư có một chủ sở hữu

Điều 104, mục 1, chương VII Luật nhà ở 2014 và điều 41, mục 5, chương III của thông tư 02/2016/TT-BXD có nêu rõ:

  • Có trách nhiệm nhắc nhở cư dân tuân thủ các nội quy, quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư.
  • Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư dân gửi đến tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét, giải quyết.
  • Cùng với chính quyền địa phương và tổ dân phố xây dựng nếp sống văn minh, an toàn xã hội trong khu dân cư.
  • Tuân thủ theo quy chế hoạt động của ban quản trị chung cư do hội nghị nhà chung cư thống nhất. Không tự bãi miễn hoặc thêm thành viên vào ban quản trị chung cư.
  • Nhận bàn giao, lưu trữ, quản lý hồ sơ nhà chung cư từ chủ đầu tư và cung cấp hồ sơ này cho đơn vị quản lý vận hành – nếu chung cư có đơn vị quản lý vận hành.
  • Tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, chuẩn bị nội dung họp, công khai hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng bảo trì trước hội nghị.
  • Đảm bảo tuân thủ chấp hành đúng quy chế hoạt động, quy chế thu – chi tài chính của ban quản trị.
  • Trưởng hợp chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, ban quản trị có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
  • Có trách nhiệm bàn giao lại hồ sơ, sổ sách giấy tờ đang quản lý cho ban quản trị mới.
  • Thành viên ban quản trị chung cư sẽ bị xử phạt hoặc bồi thường nếu vi phạm các quy chế, quy định của pháp luật.
  • Được hưởng thù lao và các chi phí theo quyết định của hội nghị nhà chung cư.
  • Thực hiện các công việc khác do hội nghị nhà chung cư giao và không trái với quy định.

Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

Theo điều 104, mục 1, chương III luật nhà ở 2014 và điều 41, mục 5, chương III của thông tư 02/2016/TT-BXD nêu rõ:

  • Quản lý, sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung của chung cư theo quy định và phải báo cáo minh bạch việc thu – chi các khoản này với hội nghị nhà chung cư.
  • Ký hợp đồng với đơn vị có năng lực quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư và giám sát hoạt động.
  • Thực hiện thu chi phí quản lý vận hành theo quyết định đã được hội nghị nhà chung cư thông qua.
  • Báo cáo kết quả mọi hoạt động thu – chi tài chính, kết quả việc bảo trì, và thu – chi về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.
  • Được thay mặt chủ sở hữu thực hiện các quyền đối với phần sở hữu chung của chung cư theo quy định. Đồng thời không được kích động người khác làm mất trật tự an ninh tại khu chung cư

Trên đây là tổng hợp các thông tin hữu ích về ban quản trị chung cư từ thành phần, yêu cầu và các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức. Hy vọng, các chủ đầu tư và cư dân đã có cái nhìn từ tổng quan tới chi tiết về tổ chức này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN